ĐỀN THỜ CÔNG CHÚA BÀN TRANH ĐẢO PHÚ QUÝ
Đền thờ công chúa Bàn Tranh tọa lạc tại xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Đền thờ Công chúa Bàn Tranh còn được người dân trên đảo Phú Qúy gọi là đền thờ Bà Chúa Xứ.
Đền thờ công chúa Bàn Tranh là ngôi đền cổ do người Chăm xây dựng từ cuối thế kỷ XVI. Năm 2009, đền được trùng tu trở nên bề thế và trang nghiêm hơn. Các hạng mục được trùng tu gồm: Cổng chính, Cột cờ, Bình phong, Võ ca và chính điện được phân bố trên một trục thẳng. Về phía bên hữu hơi lệch về phía sau theo hướng nhìn từ trước vào là nhà Khói, bao bọc di tích là hệ thống tường thành kiên cố.
Từ khi tạo lập đến nay, đền thờ công chúa Bàn Tranh đã trải qua gần 400 năm tồn tại. Do tác động của môi trường biển đảo khắc nghiệt nên ngôi đền đã được các thế hệ người Chăm và người Việt tiếp nối tu bổ, cải tạo nhiều lần. Tuy nhiên, vẫn giữ nguyên được hướng của ngôi đền và phần mộ của công chúa Bàn Tranh trong đền thờ. Ngày 28/01/2015 đền thờ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.
2. Đền thờ công chúa Bàn Tranh trên đảo Phú Quý có gì?
Bên trong đền thờ công chúa Bàn Tranh còn lưu giữ 3 bia Kut thờ công chúa được tạc từ đá hoa cương màu xám xanh có niên đại khoảng 400 năm. Các di vật như chiêng, trống, chuông, chân đèn, đỉnh đồng, lư hương và 5 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn phong tặng cho công chúa. Trong đó, đền thờ hiện vẫn còn một số di vật linh thiêng như bài vị, bệ thờ, liên đối, hoành phi viết bằng chữ Hán, ca ngợi tài năng, công đức Công chúa Bàn Tranh.
Hiển hách miếu thần ngàn năm còn đó
Linh thiêng cung thánh vạn thuở chẳng dời
Câu đối khắc bằng chữ Hán gắn ở cột đền thờ có nội dung:
Linh thần hiển hách phù trong đảo
Giúp nước thay trời cứu vạn dân.
Ngoài ra, còn có 3 sắc phong chung cho cả công chúa Bàn Tranh và thầy Sài Nại. Thầy Sài Nại là thương gia thường theo các thương thuyền vượt đại dương đến nhiều nước để buôn bán. Trong một chuyến hải trình, thuyền của ông bị bão tố đẩy dạt vào đảo Phú Quý. Thầy Sài Nại đã kết nghĩa chị em với công chúa Bàn Tranh và ở lại đảo sinh sống, hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu giúp dân nghèo.
3. Công chúa Bàn Tranh chọn đảo Phú Qúy làm nơi sinh sống
3.1 Nguyên nhân công chúa Bàn Tranh đến đảo Phú Quý
Theo truyền thuyết và tư liệu của bảo tàng tỉnh Bình Thuận, công chúa Bàn Tranh tên thật là Po Sah Ina là con gái vương quốc Chămpa từ năm 1458 đến 1460. Vua Po Kathit, còn có tên Po Dam (Po Kathit, người Việt gọi là Bàn La Trà Duyệt).
Công chúa Bàn Tranh yêu một chàng trai cùng dân tộc nhưng khác tôn giáo, không thuộc dòng dõi hoàng tộc nên bị các vị đại thần triều đình lúc bấy giờ phản đối. Đối với thời đó mà nói thì Công chúa bị cho là mang tội bất kính với vua cha nên phải chịu hình phạt lưu đày ra hoang đảo vĩnh viễn không được trở về đất liền.
Bị lưu đày nhưng Vua cha vô cùng yêu thương công chúa Bàn Tranh, ông đã ban cho công chúa một số tùy tùng, dụng cụ sản xuất, đánh bắt hải sản, nhiều hạt giống lương thực, chiếc thuyền buồm để tự mưu sinh. Sau những ngày lênh đênh trên biển, thuyền của công chúa cặp vào hòn đảo (Đó là Hòn đảo ngọc Phú Quý, tỉnh Bình Thuận ngày nay). Từ đó, công chúa cùng những tùy tùng đi theo đã khai khẩn, mở đất lập làng tạo dựng cuộc sống mới trên hòn đảo này.
Công chúa Bàn Tranh cùng những người hầu dựng lều ngay dưới chân núi Cao Cát, thuộc thôn Đông Hải, xã Long Hải ngày nay, tiến hành phát quang cỏ dại, chặt cây rừng, dọn đất, tìm nguồn nước ngọt và giữ lửa để bắt đầu tạo dựng cuộc sống tự lập, tự cung, tự cấp. Theo người dân nơi đây, Công chúa Bàn Tranh và những người hầu là những ngư dân đầu tiên khai phá vùng đất hoang đảo Phú Qúy này.
Với dụng cụ đánh bắt cá mang theo, với cuốc xẻng, rựa dao, những cư dân đầu tiên là đoàn người của công chúa đã tạo nên sự sống trên đảo hoang này. Bằng kinh nghiệm giỏi nghề trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản được truyền lại, sự chăm chỉ mà hạt đã được gieo, nẩy mầm và sinh sôi từng ngày.
3.2 Công chúa Bàn Tranh có công xây dựng đảo Phú Quý từ những ngày đầu
Theo Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, công chúa Bàn Tranh là người có công đầu trong việc đưa lên đảo những giống lương thực, hoa màu, hướng dẫn người dân trên đảo khai khẩn đất đai, làm ruộng vườn, hình thành xóm làng, chỉ dạy người dân cách trồng trọt, làm nghề nông,…
Mãi đến năm 1460, Vua Po Kathit nhường ngôi cho em trai là Trà Toàn, vương triều diễn ra nhiều xung đột. Biến cố lịch sử với cuộc “Bình Chiêm” của Vua Lê Thánh Tôn nước Đại Việt). Các triều vua Chiêm Thành về sau do nhiều cuộc nội chiến, tranh giành nhau dần dần suy yếu. Khi Tiểu Vương Po Kathit qua đời, vua kế vị từng có chỉ dụ cho Công chúa Bàn Tranh được phép trở về đất liền, nhưng với tình yêu và nỗi đau trong quá khứ, công chúa đã khước từ, chấp nhận cuộc sống vất vả nhưng tươi vui trên vùng đất đảo đã dày công tạo dựng.
Sau khi qua đời, thi thể công chúa được người dân chôn cất tại đảo và lập đền thờ Bà Chúa ( Đền thờ Công chúa Bàn Tranh). Bà được vinh danh là người đầu tiên lập ra hòn đảo ngọc Phú Quý lung linh giữa biển Đông ngày nay. Đất quanh miếu thờ được dân gọi là ruộng Vua, di tích giếng nước cổ người Chăm tại Ngũ Phụng, Đông Hải, Tam Thanh ngày nay vẫn còn với thành xây đá khối, lớp sát đáy có chèn gỗ.
Ghi nhận những công lao to lớn của công chúa Bàn Tranh, các vua Triều Nguyễn đã phong bà là Hiển dũng Chương uy Hùng nghị Đoan túc chi Thần. Từ đời vua Minh Mạng (1820-1840) cho tới vua Khải Định (1916-1925) đã ban tặng cho bà 8 sắc phong, giao cho ngư dân đảo Phú Quý thay nhau hương khói, phụng thờ. Khoảng đầu thế kỷ XVII ngôi đền được người Việt tiếp quản, gìn giữ và thờ phụng cho đến ngày nay.
4. Lễ hội đền thờ công chúa Bàn Tranh ở đảo Phú Quý
Lễ hội đền thờ công chúa Bàn Tranh diễn ra vào ngày mùng 3 tháng giêng âm lịch hàng năm. Đây cũng là ngày giỗ của công chúa.
Vào ngày lễ, ban quản lý đền thờ tổ chức nghi lễ thỉnh rước sắc phong của công chúa tại làng đang lưu giữ, thờ phụng sắc về đền để thực hiện tế lễ. Theo quy ước mỗi làng được lưu giữ sắc phong, phụng thờ, cúng tế trong thời gian 1 năm. Sang năm sau, sẽ luân chuyển sang làng khác và cứ thế luân chuyển khắp các làng trên đảo theo trình tự.
Vào dịp lễ này, đoàn lễ khởi hành nghi thức rước sắc phong tại làng đang giữ sắc rồi đi qua các ngõ đường trong làng rồi về đền thờ công chúa Bàn Tranh. Người dân ăn mặc đẹp, nghiêm trang tham gia lễ hội rất đông, bày tỏ lòng thành kính đối với công chúa.
Cũng trong dịp lễ này, khắp nơi trên đảo Phú Quý còn diễn ra các lễ hội dân gian đậm sắc thái miền biển như: hò chèo bả trạo, hát bội, múa tứ linh…bên âm thanh của nhạc cụ dân gian suốt hành trình của buổi lễ.
5. Tour tham quan đền thờ Công chúa Bàn Tranh đảo Phú Quý
Đền thờ công chúa Bàn Tranh là một trong những địa điểm tham quan khi du lịch tại đảo Phú Qúy. Để đến đảo Phú Qúy, các bạn có thể lựa chọn du lịch tự túc hoặc tham khảo các Tour du lịch trọn gói của PHÚ QUÝ XANH, cụ thể như sau:
TOUR PHÚ QUÝ 2 NGÀY 1 ĐÊM
TOUR PHÚ QUÝ 3 NGÀY 2 ĐÊM
TOUR PHÚ QUÝ 4 NGÀY 3 ĐÊM
Bình luận